Quy trình bàn giao nhà chung cư và nhận bàn giao là một vấn đề quan trọng trong giao dịch mua bán bất động sản. Để thực hiện việc bàn giao công trình xây dựng và căn hộ sau khi hoàn thành, chủ đầu tư cần đáp ứng những điều kiện cần thiết.
Vậy, những yêu cầu đó là gì? Quy định về bàn giao căn hộ chung cư được thực hiện như thế nào? Trong bài viết dưới đây, công ty An Lộc sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quy trình bàn giao nhà chung cư cũng như các thông tin hữu ích xoay quanh vấn đề này.

Điều kiện bàn giao nhà chung cư
Hiện nay, điều kiện bàn giao chung cư phải được tuân thủ theo nguyên tắc được quy định trong điều luật xây dựng. Cụ thể:
Công trình đã được nghiệm thu, đảm bảo an toàn
Theo quy định tại Điều 124 Luật xây dựng 2014, việc bàn giao công trình xây dựng phải tuân thủ các quy định sau:
“a) Đã thực hiện nghiệm thu công trình xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng;
b) Bảo đảm an toàn trong vận hành, khai thác khi đưa công trình vào sử dụng.”
Ngoài ra, theo Nghị định 46/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật cũng chỉ rõ quy định về bàn giao hạng mục công trình, công trình xây dựng nói chung và bàn giao nhà chung cư nói riêng theo quy định trên.
Đã hoàn thành xây dựng nhà và các công trình khác theo tiến độ phê duyệt
Theo Khoản 3 Điều 13 Luật kinh doanh Bất động sản quy định rõ:
“Chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; trường hợp bàn giao nhà, công trình xây dựng thô thì phải hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài của nhà, công trình xây dựng đó.”
Có đầy đủ hồ sơ bàn giao nhà chung cư
Theo Khoản 3 Điều 124 Luật Xây Dựng quy định rõ:
“Khi bàn giao công trình xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng phải giao cho chủ đầu tư các tài liệu gồm bản vẽ hoàn công, quy trình hướng dẫn vận hành, quy trình bảo trì công trình, danh mục các thiết bị, phụ tùng, vật tư dự trữ thay thế và các tài liệu cần thiết khác có liên quan.”
Thêm vào đó, tại phụ lục của Thông tư số 05/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định, khi bàn giao căn hộ chung cư thì chủ đầu tư phải hoàn thành những danh mục hồ sơ về công trình xây dựng nhà ở như sau:
“1) Giấy phép xây dựng.
2) Hợp đồng xây dựng của chủ nhà ký với các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công xây dựng (nếu có).
3) Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng.
4) Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công xây dựng.
5) Báo cáo kết quả thẩm tra và văn bản kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công xây dựng.
6) Bản vẽ hoàn công (trong trường hợp việc thi công xây dựng có sai khác so với thiết kế bản vẽ thi công xây dựng).
7) Báo cáo kết quả thí nghiệm, kiểm định (nếu có).
8) Văn bản thỏa thuận, chấp thuận, xác nhận của các tổ chức, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (nếu có) về an toàn phòng cháy, chữa cháy; an toàn vận hành thang máy.”

Tóm lại, một căn hộ đủ điều kiện bàn giao phải tuân thủ 3 điều kiện:
- Công trình đã được nghiệm thu, đảm bảo an toàn
- Đã hoàn thành xây dựng nhà và các công trình khác theo tiến độ phê duyệt
- Có đầy đủ hồ sơ bàn giao nhà chung cư
Khi căn hộ chung cư chưa đáp ứng đủ điều kiện để nhận, khách hàng có quyền từ chối việc bàn giao nhà chung cư. Khi bàn giao căn hộ, cần lập biên bản và người nhận căn hộ cần giữ kỹ biên bản này để tránh mất mát. Biên bản này là căn cứ để bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi nhận bàn giao nhà chung cư
Quy trình bàn giao nhà chung cư đúng chuẩn
Dưới đây là quy trình bàn giao căn hộ chung cư giữa chủ đầu tư và khách hàng được thực hiện theo một quy trình chuẩn nhất định. Điều này đảm bảo việc bàn giao diễn ra một cách thuận lợi và đáp ứng đúng các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán.
Bước 1: Lập danh sách, chọn lựa các căn hộ đủ điều kiện để bàn giao cho khách hàng.
Chuẩn bị sẵn mẫu biên bản bàn giao nhà và thông báo đến khách hàng đủ điều kiện để nhận căn hộ. Yêu cầu khách hàng hoàn tất hồ sơ mua bán với bộ phận kinh doanh và tài chính trước khi bàn giao căn hộ.
Bước 2: Tiến hành thủ tục bàn giao căn hộ chung cư cho khách hàng.
Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và giấy tờ theo yêu cầu (trường hợp khách hàng là người nước ngoài cần có biên bản cả bằng tiếng anh).
Bên bàn giao và khách hàng cùng cùng kiểm tra, đối chiếu và thảo luận để giải quyết bất kỳ thắc mắc nào và thống nhất các điều khoản trong hợp đồng.
Hai bên cùng nhau nghiệm thu căn hộ: các hạng mục, chất lượng, số lượng, và nội dung khác.
Bước 3: Ký biên bản xác nhận đồng ý hoặc không đồng ý bàn giao căn hộ.
Trong bước này, bên mua căn hộ sẽ ký xác nhận đồng ý hoặc không đồng ý với quá trình bàn giao. Biên bản này phải được hai bên giữ cẩn thận để tránh mất mát vì nó là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của cả hai bên trước pháp luật.
Hướng dẫn cách nhận bàn giao và kiểm tra căn hộ
Dưới đây là hướng dẫn cách nhận bàn giao căn hộ chung cư để bạn có thể kiểm tra một cách đầy đủ nhất. Đồng thời tìm ra các lỗi cần sửa chữa hoặc yêu cầu hoàn thiện trước khi ký vào biên bản xác nhận bàn giao.
Kiểm tra diện tích
Trên biên bản bàn giao và hồ sơ kỹ thuật sẽ có đủ thông tin diện tích. Dựa vào đó, chúng ta sẽ đối chiếu để kiểm tra diện tích căn hộ.
Trong thời gian ngắn có sẵn, không thể kiểm tra tất cả các kích thước của căn hộ. Vì vậy, chúng ta nên tập trung vào việc đo và kiểm tra các kích thước tổng thể. Đó là chiều rộng, chiều dài và chiều cao của các phòng. Nếu có một chút sai lệch nhỏ, ta có thể chấp nhận. Nếu có sai lệch lớn hơn, ta nên kiểm tra cẩn thận hơn để xác định liệu có vượt quá 2% diện tích hay không.
Điều quan trọng nhất là diện tích công nhận trong sổ hồng phải chính xác với diện tích mà chúng ta đã thanh toán.

Kiểm tra hệ thống điện
Sau cửa chính vào căn hộ là vị trí thường được đặt bảng điện trung tâm.
Khu vực bảng điện trung tâm thường được đặt ngay sau cửa chính của căn hộ. Có một số lộ dây trong khu vực này, bao gồm 01 Át tổng và các lộ dây điều khiển hệ thống đèn chiếu sáng và ổ cắm điện.
Cách kiểm tra:
Bật cầu dao tổng -> Bật át đèn -> Bật tất cả các công tắc đèn ở các khu vực (phòng khách, phòng ngủ 1,2, khu vực bếp, nhà vệ sinh 1,2, lô gia ). Kiểm tra và thực hiện bật/tắt đèn 3 lần liên tiếp. Nếu tất cả đèn sáng và loại đèn đúng như trong bảng mô tả thì đúng.
Bật tất cả các Át khác: Kiểm tra ổ cắm điện ở tất cả các khu vực (phòng khách, phòng ngủ 1,2, khu vực bếp, nhà vệ sinh, lô gia) bằng bút thử điện hoặc đèn ngủ..
Bật quạt hút mùi bếp và xem nó có hoạt động không. Sử dụng một tờ giấy mỏng và đưa lên phía trước quạt hút mùi để xem quạt chạy như thế nào và có đủ mạnh không.
Hiện tại, chưa thể kiểm tra các thiết bị như đầu mạng, ti vi, điều hòa và bình nóng lạnh do chưa có thiết bị sẵn. Ta chỉ cần kiểm tra xem các vị trí này có sẵn chờ chưa.
Kiểm tra hệ thống nước
- Kiểm tra hệ thống cấp nước: Bật các vòi nước, đầu cấp và xả vệ sinh để xem có nước chảy không. Kiểm tra áp lực nước, xem liệu áp lực nước đủ mạnh hay quá mạnh. Kiểm tra vị trí của van khóa tổng. Thường thì van khóa tổng nằm trên trần nhà vệ sinh hoặc bếp.
- Kiểm tra hệ thống thoát nước: Đổ nước ra sàn nhà vệ sinh, máy giặt và ban công để xem hiệu suất thoát nước có tốt không. Kiểm tra xem có bất kỳ vướng mắc nào do độ dốc lát sàn không đúng chuẩn hay không. Nếu sau khi đổ nước ra sàn và kiểm tra các phần khác mà nước vẫn còn đọng, đó có thể là dấu hiệu của hệ thống thoát nước kém, do lỗ thoát hoặc do lát sàn. Kiểm tra và đề xuất cải tiến nếu cần (thường là do công việc lát sàn hoặc lắp đặt thiết bị bị thực hiện không chính xác).
- Kiểm tra chống thấm: Bằng mắt thường, kiểm tra các vị trí trên tường. Đặc biệt là chân tường của nhà vệ sinh, logia, ban công, hộp kỹ thuật… để xem có hiện tượng thấm nước không.
Kiểm tra hệ thống tường, trần
- Kiểm tra độ phẳng của tường: Sử dụng thước nhôm đặt lên tường và nhìn qua để xem có khe hở hay không. Cũng có thể tắt đèn và sử dụng đèn pin để soi ngược lại để kiểm tra. Thêm vào đó, dùng tay, chuôi vít hoặc các vật có đầu tròn gõ kiểm tra các vị trí trên tường để xem có sự rộp, rỗng không. Nếu thấy hiện tượng rộp, có thể sử dụng tô vít để chọc thử.
- Màu sắc: Đồng đều, không loang lỗ đặc biệt ở các khu vực công tắc, điều hòa xem có lỗi không…
- Trần: Nhìn bằng mắt thường để xem độ phẳng của tầng. Chý ý các dóc gầm tường trát có chuẩn không.
Kiểm tra các hạng mục khác
Cửa: Áp dụng cho cửa chính, cửa phòng ngủ, cửa nhà vệ sinh, cửa ra lô gia (sân phơi). Kiểm tra bản lề của cửa, mở, đóng cửa và khóa vài lần để xem độ trơn tru. Kiểm tra khe hở giữa cửa sổ và tường để chắc chắn về độ khít. Kiểm tra nẹp cửa xem chúng có chắc chắn không. Đảm bảo màu sắc các hệ cửa đều nhau, không có sự chênh lệch màu giữa các cửa cùng loại. Đồng thời, sử dụng tay để kiểm tra độ mịn màng của bề mặt cửa, chắc chắn không có sự thô ráp và không có bọt khí trên bề mặt.
Lan can: Kiểm tra lan can sắt để xem có chắc chắn không. Kiểm tra chân gắn sàn, đảm bảo đã được lắp đặt cẩn thận. Đặc biệt, kiểm tra các mối hàn để xem có bị han gỉ hay không.
Thiết bi báo cháy: Trong căn hộ, thường có một đầu báo cháy. Thông thường, thiết bị và hệ thống báo cháy sẽ được đơn vị PCCC và chủ đầu tư nghiệm thu. Cần kiểm tra pháp lý của dự án và xác minh xem dự án đã được kiểm duyệt về mặt an toàn cháy nổ hay chưa.
Gạch ốp sàn: Đảm bảo vật liệu gạch ốp đúng loại, màu sắc và kích thước theo hợp đồng. Các mạch ốp phải thẳng, đều và rõ nét, tuân thủ kỹ thuật họa tiết và hoa văn. Trên bề mặt gạch ốp lát để đảm bảo không có các vết bẩn như vữa, bột trát mạch hoặc các vết bẩn khác.
Những lưu ý khi nhận bàn giao nhà chung cư
Trong trường hợp gặp vấn đề khi kiểm tra, chủ căn hộ nên ghi rõ yêu cầu trong biên bản bàn giao hoặc phiếu yêu cầu riêng (tuỳ thuộc vào loại giấy được sử dụng trong chung cư). Hãy ghi khiếu nại thật rõ ràng để tăng cao khả khắc phục.
Tiến hành ký nghiệm thu nhận nhà nếu tất cả các hệ thống điện, nước và thiết bị trong nhà đều hoạt động tốt.
Khi nhận bàn giao nhà, bạn sẽ được cung cấp các loại chìa khóa sau đây: 1 chìa khóa thi công và 3 chìa khóa cho cửa chính (tuỳ thuộc vào loại khóa và căn hộ). Ngoài ra còn có chìa khóa phòng ngủ 1,2 (nếu có), chìa khóa cửa logia, ban công và cửa nhà vệ sinh.
Sử dụng tem niêm phong và ký ở bên ngoài. Điều này để đảm bảo không có ai có thể vào căn hộ mà không được phép. Hãy nhớ đóng tất cả các cửa, tắt các vòi nước và tắt các át của bảng điện trung tâm trước khi niêm phong.
Trên đây là tất cả những quy định liên quan đến các điều kiện, thủ tục hồ sơ và những lưu ý trong quy trình bàn giao nhà chung cư. Hy vọng rằng, những chia sẻ này sẽ giúp bạn tránh được các rủi ro khi nhận nhà chung cư từ chủ đầu tư.
=>>> Xem thêm
- Có nên thuê thiết kế nội thất? Kinh nghiệm thiết kế nội thất chung cư
- Cải tạo nội thất chung cư cũ thành mới Tiện Nghi – Đẹp “mê hồn”
Nội Thất An Lộc – Vững Bước Niềm Tin
Tôi là kiến trúc sư kiêm CEO của Công ty CP Kiến Trúc Xây Dựng và Nội Thất An Lộc. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc nội thất, tôi luôn hướng đến những xu hướng thiết kế mới. Luôn tận tâm để giúp khách hàng có một không gian sống đẹp, sáng tạo và cao cấp. Liên hệ với tôi để được tư vấn chi tiết nhé! Xem thêm